Đăng ký hội viên clb |

ĐIỀU TRỊ GÃY XƯƠNG DO LOÃNG XƯƠNG

Điều trị gãy cổ xương đùi do loãng xương

1-1075
 

Gãy cổ xương đùi do loãng xương là một thảm họa, dù là trước đây hay hiện nay thì cũng vậy. Trước đây thì đúng với mọi người, còn hiện nay cũng chỉ có một bộ phận dân cư là có thể vượt qua được thảm họa mà thôi.

Trước đây tỷ lệ tử vong rất cao vì chưa có phương pháp điều trị nào thật sự hiệu quả. Bệnh nhân phải chịu đau đớn kéo dài triền miên và phải nằm tại giường từ ngày này sang tháng khác, dẫn tới các biến chứng loét lưng, nhiễm trùng tiết niệu, viêm phổi, loãng xương gia tăng… và cuối cùng là tử vong. Những bệnh nhân còn lại thường là bị tàn phế do di chứng khớp giả cổ xương đùi.


Hiện nay, các tiến bộ mới trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình đã giúp làm thay đổi hẳn chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi do loãng xương. Tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ tổn thương mà bệnh nhân sẽ được chỉ định mổ thay chỏm xương đùi nhân tạo hoặc thay khớp háng toàn phần nhân tạo. Các phẫu thuật hiện đại này vừa giúp bệnh nhân thoát khỏi cảnh phải chịu đau đớn kéo dài, vừa trả lại cho bệnh nhân chức năng đi đứng sinh hoạt gần như bình thường so với trước khi bị gãy xương. Tuy nhiên, chi phí cho các vật dụng thay thế (chỏm, khớp…) và chi phí điều trị chung là một vấn đề nan giải đối với một bộ phận không nhỏ dân cư hiện nay.

 

 

 

Điều trị gãy đốt xương sống do loãng xương

Giống như gãy cổ xương đùi, gãy xương đốt sống do loãng xương cũng là một thảm họa.

Khi đốt sống bị gãy, các mảnh vỡ nhỏ bên trong đốt sống bị xô lệch mỗi khi xoay trở hoặc vận động, gây đau đớn cho người bệnh. Trong trường hợp các mảnh vỡ lớn di lệch chèn ép vào tủy sống hoặc các dây thần kinh sẽ gây yếu hoặc liệt. Trước đây, người ta phải bất động vùng gãy bằng cách nằm dài ngày và mang nẹp ngoài, trường hợp có chèn ép tủy hoặc chèn ép dây thần kinh thì có thể phải mổ giải ép và cố định dụng cụ vào cột sống. Việc nằm dài ngày gây ra nhiều hậu quả như loãng xương gia tăng, viêm phổi, viêm đường tiểu… và tỷ lệ liền xương thấp, rất thấp ở người loãng xương. Cuộc mổ giải ép và cố định dụng cụ là một cuộc mổ lớn, mất máu nhiều, nguy cơ nhiễm trùng và nguy cơ xảy ra các tai biến khá cao mà hiệu quả thì cũng rất mập mờ đối với các trường hợp loãng xương ở người cao tuổi, ngoài ra dụng cụ cố định có thể bị tụt ra do xương loãng, không thể giữ được các dụng cụ.

Hiện nay, đối với các trường hợp không có chèn ép tủy hoặc chèn ép thần kinh, tạo hình đốt sống gãy bằng xi măng sinh học (vertebroplasty) là một phương pháp điều trị có hiệu quả cao. Chỉ bằng một cuộc mổ nhỏ, không dùng đến dao kéo hay thuốc mê, chỉ cần gây tê và chích kim vào đốt sống gãy rồi bơm vào đó một ít xi măng sinh học lỏng với áp lực vừa đủ để xi măng có thể tràn vào trám kín các đường gãy. Sau khi xi măng khô đi, các mảnh vỡ được gắn kết lại với nhau thành một khối, không còn hiện tượng xô lệch mỗi khi vận động và người bệnh hết đau. Sau mổ chừng nửa giờ là người bệnh đã có thể xoay trở thoải mái trong tư thế nằm và chỉ vài giờ sau là có thể đi lại bình thường mà hiện tượng đau đớn đã giảm đi rất nhiều hoặc hết hẳn.

Một phương pháp có “họ hàng” với tạo hình đốt sống gãy bằng xi măng sinh học là phương pháp Tạo hình gù (kyphoplasty). Kỹ thuật gần tương tự với tạo hình đốt sống, chỉ khác là trước khi bơm xi măng sinh học vào ổ gãy, người ta đưa vào vùng ổ gãy một quả bóng và bơm vào quả bóng một dung dịch cản quang, mục đích là làm cho đốt sống phồng lên, phục hồi lại độ cao của thân đốt sống và như vậy làm giảm đi độ gù cho người bệnh. Sau đó bóng được rút ra và xi măng sinh học được bơm vào lấp đầy khoang trống do bóng tạo ra trước đó.

Đối với trường hợp các mảnh vỡ chèn ép vào tủy sống hoặc dây thần kinh, việc giải ép là bắt buộc. Và khi cắt đi các phần chèn ép, cột sống đã mất vững do gãy xương nay lại mất vững thêm do cuộc mổ. Việc cố định các đốt sống lại với nhau để tạo ra sự vững chắc của cột sống là yêu cầu sống còn với người bệnh. Trước đây người ta sử dụng chỉ thép cột vào các cấu trúc xương vỏ như mấu khớp, bản sống, mấu gai. Ở những vị trí này, xương cứng hơn so với những vị trí khác nhưng với người loãng xương thì mấu gai, mấu khớp hay bản sống cũng không thể giữ chắc chắn được cột sống. Ngay cả khi vì một lý do nào đó mà phải áp dụng những kỹ thuật nêu trên ở những người không bị loãng xương, mấu gai, mấu khớp và bản sống cũng không thể nào bất động được các đốt sống.

Việc cố định các vít vào chân cung đốt sống được chứng minh là chắc chắn nhất ở các trường hợp không loãng xương, còn khi bị loãng xương thì các vít này có thể bị tụt ra dễ dàng hoặc khi có lực ép dọc trục cột sống, các vít có thể cắt đứt cả vỏ chân cung cũng như thân đốt sống để di lệch đi nơi khác. Vài năm lại đây, trên thế giới xuất hiện một loại vít chân cung mới, có thể sử dụng cho người loãng xương. Ngoài các răng vít “to đùng” thì thân vít có ống rỗng, sau khi cố định vít vào xương xong, người ta bơm xi măng sinh học vào thân đốt sống qua đường ống trong thân vít, xi măng chảy ra xung quanh vít, hòa vào thân xương sống, vậy là chúng ta có cả một hệ thống “cừ” bằng xi măng cốt thép, xin lỗi, không phải cốt thép, cốt titanium, cứng hơn thép nhiều.

Các kỹ thuật điều trị phẫu thuật gãy xương đốt sống do loãng xương nêu trên đã làm thay đổi hẳn hình ảnh ảm đạm đối với người bệnh bị gãy xương do loãng xương, mang lại sắc hồng cho bức tranh ảm đạm nêu trên. Tuy nhiên, “sắc hồng” này lại có ánh kim lấp lánh do chi phí cho các phẫu thuật này không hề nhỏ. Chưa kể đến việc đây là những kỹ thuật tương đối phức tạp, phẫu thuật viên phải được đào tạo một cách bài bản. Ngoài ra, các phẫu thuật này đòi hỏi những trang thiết bị cũng đắt tiền và không dễ sử dụng chút nào, toàn bộ ê kíp làm việc cũng phải được đào tạo kỹ lưỡng và có khả năng phối hợp nhịp nhàng. Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 5 – 6 trung tâm ở Việt nam có thể thực hiện được kỹ thuật tạo hình đốt sống gãy bằng xi măng sinh học (vertebroplasty), và chỉ không đến một nửa con số này là có thể thực hiện thường quy kỹ thuật được coi là đơn giản nhất trong các kỹ thuật nêu trên. Tương tự vậy, kỹ thuật tạo hình gù (kyphoplasty) cũng chỉ đã từng được thực hiện ở 2 trung tâm tại Việt nam, trong đó EXSON là nơi có thể thực hiện thường quy kỹ thuật này. Còn với hệ thống “bê tông cốt titanium” thì cho đến thời điểm hiện nay, ngoài EXSON đã thực hiện kỹ thuật này từ 7 năm nay, tại Việt nam mới chỉ có vài nơi bắt đầu  thực hiện.

Do những hạn chế về mặt chi phí, về tính phức tạp của kỹ thuật nên có thể nói rằng, bức tranh ảm đạm của những trường hợp gãy xương do loãng xương đã được chuyển sang màu hồng, nhưng chỉ là một mảng hồng nhỏ thôi, vì chỉ có một nhóm nhỏ dân cư là có đủ khả năng trang trải các chi phí và tiếp cận được với các cơ sở y tế có khả năng thực hiện các kỹ thuật cao đó. Đối với một bộ phận lớn dân cư, bức tranh vẫn mang màu xám xịt.

Như vậy, để đừng phải bước chân vào bức tranh ảm đạm của các trường hợp gãy xương do loãng xương, việc phòng ngừa loãng xương, phát hiện sớm loãng xương và điều trị loãng xương từ khi chưa bị gãy xương là những biện pháp vừa hiệu quả, vừa an toàn và lại rẻ tiền hơn nhiều so với việc thay khớp, thay chỏm, tạo hình đốt sống…

Nhân dịp kỷ niệm 8 năm thành lập, Phòng khám Quốc tế EXSON xin gởi đến Quý khách hàng Chương trình Tri ân khách hàng: Giảm 20% phí khám Cơ xương khớp, phí khám loãng xương và phí kiểm tra mật độ xương. Chương trình được áp dụng từ ngày 28/07/2015 đến ngày 31/12/2015.

Vui lòng gởi email đến exson@exson.com.vn hoặc gọi vào số (08) 38 570 670 – 0933 949 722 gặp Ms Thuyên để đăng ký nhận Coupon của Chương trình này

Hãy đến với Phòng Khám Quốc tế EXSON để cảm nhận được sự khác biệt trong chất lượng điều trị, khám chữa bệnh tận tình, chuyên nghiệp cùng với công nghệ đỉnh cao của các trang thiết bị hiện đại và sự tiếp đón niềm nở, phục vụ ân cần. EXSON rất mong sẽ mang lại sự hài lòng hơn cả mong đợi cho Quý khách.

Các tin khác
«    1 2 3 4   »
  • ĐIỂM TIN - SỰ KIỆN
  • CHIA SẺ
song-hong-25102021
cong-ty-tnhh-truyen-thong-live-channel
cong-ty-tnhh-dt-xd-tm-dv-moc-may-man
-
-o-e-
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Số người truy cập : 9.546.874
  • Số người online : 2