Đăng ký hội viên clb |

Loãng xương - Sát thủ thầm lặng

Loãng xương là gì? Loãng xương là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý về xương. Bệnh hay gặp ở phụ nữ hơn ở đàn ông. Tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ so với đàn ông là khoảng gấp 3 lần. Xương người được cấu tạo bởi các bè xương liên kết với nhau thành một mạng lưới, tạo nên độ vững chắc của xương. Ở người bình thường, các bè xương xếp dày đặc, độ dày của mỗi bè xương khá lớn.

hinh-hoi-thao-1097
 

Có hai quá trình đồng thời xảy ra và tác động trực tiếp lên xương của con người: Tạo xương và Hủy xương. Khi con người ta còn trẻ, quá trình Tạo xương chiếm ưu thế, xương ngày một phát triển, các bè xương ngày càng to ra, ngày càng cứng chắc. Đến tuổi trưởng thành, hai quá  trình Tạo xương và Hủy xương cân bằng với nhau, xương luôn luôn cứng chắc, xương cũng như người tràn đầy sinh lực. Rồi đến một ngày nào đó, khi “gió heo may đã về”, Hủy xương thắng thế, Tạo xương càng ngày càng lép vế, đành phải ngồi “nhìn những mùa thu đi”. Hậu quả là các bè xương mỏng lại, bớt chắc khỏe, số lượng bè xương cũng giảm hẳn, tạo ra các khoang rỗng bên trong xương nên người ta hay gọi là xốp xương hoặc loãng xương.

Xương bị loãng yếu hơn rất nhiều so với xương không bị loãng. Trong  dân gian có một từ rất hình tượng để chỉ tình trạng loãng xương, đó là “mục xương”. Khi nói đến “mục xương” người ta thường ám chỉ trường hợp xương bị mục, bị yếu do lạm dụng các thuốc kháng viêm corticosteroid. Tuy nhiên, việc sử dụng corticosteroid mới chỉ là một nguyên nhân của “mục xương” hay loãng xương.

Nguyên nhân gây ra loãng xương

Thủ phạm chính gây ra loãng xương chính là vị thần thời gian. Khi con người bước qua tuổi trung niên, đặc biệt là phụ nữ sau khi mãn kinh, các nội tiết tố giảm đi, quá trình Tạo xương không còn sung mãn như trước, đồng thời quá trình Hủy xương tăng lên và lấn lướt làm cho xương bị mất đi và trở nên xốp.

Thành phần chính tạo nên độ vững chắc cho xương là calcium (can xi). Lúc người ta còn trẻ, cơ thể sử dụng calcium để tạo ra xương mới. Khi chúng ta có tuổi, nếu lượng calcium trong máu không đủ, calcium sẽ bị lấy từ xương ra để chuyển đến phục vụ cho hoạt động ở các nơi khác của cơ thể, từ đó làm cho xương bị suy yếu. Calcium và vitamin D là nguyên liệu giúp cho việc tạo xương mới, kích thích hoạt động của tế bào sinh xương. Calcium và vitamin D được sử dụng vừa để dự phòng vừa để điều trị.

Ngoài nguyên nhân tăng Hủy xương nêu trên, còn một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác như:

-   Chế độ ăn uống quá ít calcium, ít đạm.

-   Ít hoạt động thể lực, ít hoạt động ngoài trời.

-   Nghiện rượu, bia, thuốc lá, cà phê.

-   Sử dụng thuốc corticosteroid (ví dụ như dexa) hàng ngày trong thời gian hơn 3 tháng.

-   Nằm bất động trên giường quá lâu.

-   Bị các bệnh lý về khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp.

-  Bị bệnh thận mạn tính dẫn tới tăng đào thải calcium, bệnh đường tiêu hóa mạn tính gây giảm hấp thu calcium và vitamin D.

-   Cường tuyến cận giáp, thiểu năng sinh dục.

-   Người quá nhẹ cân, lúc nhỏ bị còi xương, suy dinh dưỡng.

Triệu chứng của loãng xương

Trong giai đoạn sớm của bệnh không hề có triệu chứng gì (chính vì vậy mà bệnh loãng xương được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng”). Khi có dấu hiệu lâm sàng, thường là lúc đã có biến chứng, cơ thể đã bị mất tới 30% khối lượng xương.

Ở giai đoạn bệnh tiến triển có thể có đau, thường được mô tả là đau ở trong xương. Đây là một triệu chứng rất mơ hồ nên đa số thường bị bỏ qua. Một triệu chứng khá rõ ràng và có thể quan sát được là giảm dần chiều cao của cơ thể kèm với đau ở vùng lưng (cột sống ngực) và thắt lưng. Khi nặng hơn sẽ thấy gù lưng và dáng đi khòm.

Gãy xương là triệu chứng rõ nhất, đồng thời đây cũng là biến chứng nặng nhất của loãng xương. Gãy xương do loãng xương là các trường hợp gãy xương tự nhiên hoặc sau một chấn thương rất nhẹ. Gãy xương do loãng xương thường xảy ra ở xương đốt sống, cổ xương đùi và cổ tay. Gãy xương làm cho bệnh nhân rất đau, không thể xoay trở hoặc di chuyển được vì cứ mỗi lần xoay trở hoặc di chuyển lại rất đau, dần dần người bệnh sợ không dám xoay trở hoặc di chuyển nữa.

 Hậu quả của loãng xương

Loãng xương làm cho xương trở nên giòn, mỏng manh và rất dễ gãy, kể cả khi không bị chấn thương mà người ta thường gọi là gãy xương tự nhiên mặc dù chẳng có gì là tự nhiên cả.

Biến chứng nguy hiểm nhất của loãng xương là gãy xương. Theo một báo cáo mới được công bố trong tháng 2 năm 2015, tại Cộng hòa Séc, 31% bệnh nhân gãy cổ xương đùi tử vong sau 1 năm, 55% sau 2 năm và 62% sau 3 năm. Đối với gãy đốt sống, trước khi có các biện pháp điều trị tiên tiến, bức tranh còn ảm đạm hơn nữa.

Nhằm giúp chị em phụ nữ trang bị các kiến thức về loãng xương để có thể bảo vệ xương chắc khỏe, ngày 04/10/2015, Phòng khám Quốc tế EXSON tổ chức hội thảo SỨC KHỎE PHỤ NỮ với chủ đề chính là Loãng xương – Biến chứng và cách phòng ngừa. Tại hội thảo, TS. BS Võ Xuân Sơn sẽ cung cấp những kiến thức cần biết về loãng xương và cách phòng ngừa căn bệnh được mệnh danh là “Sát thủ thầm lặng” này. Ngoài ra, đến với hội thảo SỨC KHỎE PHỤ NỮ, chị em sẽ được tư vấn về Phụ khoa - bệnh khó nói ở phụ nữ. Bác sĩ sản phụ khoa tại Phòng khám Quốc tế EXSON sẽ giúp tháo gỡ những thắc mắc, tâm tư và nguyện vọng về những bệnh thầm kín mà chị em không biết chia sẻ cùng ai.

Hội thảo SỨC KHỎE PHỤ NỮ không chỉ dành cho phái đẹp, mà còn dành cho các quý ông quan tâm đến sức khỏe của những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời họ.

Hãy nhanh tay gọi vào số 0838 570 670 đăng ký tham dự hội thảo SỨC KHỎE PHỤ NỮ để sở hữu những phần quà thật hấp dẫn dành cho tất cả khách hàng tham dự hội thảo. Ngoài ra, 20 phần quà đặc biệt sẽ dành riêng cho 20 người đăng ký đầu tiên. Thông tin chi tiết về chương trình vui lòng xem tại:

 

 

 

Các tin khác
  • ĐIỂM TIN - SỰ KIỆN
  • CHIA SẺ
song-hong-25102021
cong-ty-tnhh-truyen-thong-live-channel
cong-ty-tnhh-dt-xd-tm-dv-moc-may-man
-
-o-e-
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Số người truy cập : 9.548.754
  • Số người online : 3