Đăng ký hội viên clb |

Ngày thi thứ 8: Amibus đạt điểm kỷ lục 49,6/50

Sáng 5/9, 5 thí sinh với các đề án kinh doanh thuộc lĩnh vực sàn xuất thực phẩm và sản phẩm handmade đã có buổi trình bày trước BGK gồm: Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì Giấy nhôm NewToyo và ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Lộc.

img-9732-1-1088
 

5 thí sinh chụp ảnh lưu niệm cùng BGK
Thí sinh đầu tiên Trần Công Thư - sinh viên ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM giới thiệu dự án Corna Shop – sản xuất sữa bắp theo quy mô công nghiệp với tiêu chí không hóa chất, không đường hóa học và không phẩm màu. 

Giám khảo Nhan Húc Quân nhật xét đây là đề án khả thi và phù hợp với xu hướng ưa chuộng các sản phẩm dinh dưỡng an toàn của người tiêu dùng hiện đại. Tuy nhiên, Công Thư lưu ý khi đặt tên doanh nghiệp không nên viết tắt, sẽ rất dễ gây hiểu lầm cho khách hàng và đối tác.

 

Bên cạnh đó, thí sinh này cũng cần quan tâm đến việc xử lý bã thải sau sản xuất như thế nào. Ngoài ra, dự án hơi ôm đồm khi vừa muốn bán sỉ vừa muốn bán lẻ. Một khi bắt đầu kinh doanh, Thư cần xác định chỉ được chọn một trong hai hướng đi để có thể phát triển chiến lược cụ thể.

Điểm cộng là dự án đã vận dụng tốt kiến thức và kỹ năng được học, có sứ mệnh rõ ràng, nhưng cần diễn đạt ngắn gọn hơn. Thí sinh cũng thể hiện đã tìm hiểu kỹ lưỡng về dinh dưỡng của nguyên liệu và thiết bị sản xuất góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 



Giám khảo Phạm Phú Trường góp ý, về mặt chiến lược, thí sinh cần phân tích bao bì, giá cả sản xuất, hoa hồng của đối thủ dành cho nhà phân phối để xác định lợi thế cạnh tranh của mình. Công Thư cần hết sức cẩn trọng trong vấn đề tài chính đặc biệt là trong giai đoạn khởi nghiệp. Giám khảo này đánh giá cao cách tiếp cận và lập đề án kinh doanh của Công Thư.

Giám khảo Thanh Lâm đánh giá phương án thu mua nguyên liệu của đề án chưa sát thực tế, vì sản xuất nông nghiệp rất bấp bênh, giá nguyên liệu đầu vào biến động thường xuyên nên đây là phần Công Thư không nên bỏ qua khi xây dựng đề án.

Lê Thị Bích Phượng – sinh viên ĐH Kinh tế - Luật dự thi với đề án “Kinh doanh đồ handmade” với nhiều sản phẩm lưu niệm handmade khác nhau. 

Giám khảo Nhan Húc Quân nhận xét Bích Phượng có giấc mơ lớn nhưng vì sức của một sinh viên mới khởi nghiệp có hạn nên tập trung làm 1 loại sản phẩm, đầu tư cho sản phẩm đó thật công phu, đa dạng, tạo phong cách riêng. Giám khảo này cũng cho biết, thật ra hiện nay chi phí nhân công để sản xuất các mặt hàng thủ công ở Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực như Indonesia và Trung Quốc.

Giám khảo Phú Trường đánh giá cao ý tưởng của Bích Phượng và nhận xét dự án khả thi, có cơ sở để thành công tuy còn còn điểm yếu khi xây dựng phương án tài chính, nhân sự. Bích Phượng chọn thị trường hẹp để kinh doanh, có cách tiếp cận rộng mà cách thực hiện lại quá đơn giản. Phượng cần xác định lại cho rõ là dự án này để làm kinh doanh hay làm từ thiện. Phải chọn đúng mô hình thì mới kinh doanh thành công vì cách thực hiện và các thế mạnh của mỗi loại hình hoàn toàn khác nhau.

 

Giám khảo Thanh Lâm cũng đồng tình là ranh giới giữa kinh doanh và từ thiện trong dự án không rõ nét. Do ngay từ đầu Phượng muốn làm từ thiện nên bó hẹp tầm nhìn, quy mô, chưa tự tin và khát khao phát triển dự án. Bích Phượng chia sẻ, vì lo ngại mục tiêu dự án quá tầm tay, quá mơ mộng nên muốn kéo dự án về thực tế với những mục tiêu gần gũi.

Trần Thị Bích Phượng - sinh viên ĐH Ngoại thương TP.HCM dự thi với đề án “Bắp Việt" – cửa hàng thức ăn nhanh làm từ bắp với slogan “Bắp sạch, bắp ngon”. Mục tiêu lâu dài của đề án là mở 50 cửa hàng trên cả nước, lọt top 5 thương hiệu thức ăn nhanh tại Việt Nam, nhượng quyền thương mại ra Châu Á. Mục tiêu của dự án tuy lớn nhưng sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn. Trần Thị Bích Phượng dự định mở cửa hàng đầu tiên tại quận Bình Thạnh.

Giám khảo Phú Trường góp ý Bích Phượng cần phải có sản phẩm cụ thể trước khi hình thành ý tưởng kinh doanh. Kinh doanh không chỉ là làm điều mình thích mà làm điều khách hàng thích, không bán thứ mình có mà bán thứ khách hàng cần. Sản phẩm trước khi đưa ra thị trường cần được nghiên cứu, đánh giá và thử nghiệm. 

Trả lời câu hỏi của giám khảo Thanh Lâm – vì sao chọn bắp làm nguyên liệu, Bích Phượng cho rằng đây là nguyên liệu rẻ, có nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và thích hợp với người ăn chay.

Tuy nhiên giám khảo Thanh Lâm nhận xét hiện tại dự án đang nhắm đến quá nhiều đối tượng khách hàng, vừa tuổi teen vừa đối tượng ăn chay là không phù hợp. Giám khảo này thắc mắc liệu thí sinh đã nghiên cứu chu đáo về nguyên liệu chính hay chưa? Một năm bao nhiêu mùa vụ, có những loại nào, giá cả ra sao?

Tiếp theo là phần trình bày của Nguyễn Thị Thanh Vy – sinh viên ĐH Ngoại thương với dự án sản xuất thú bông len Amibus. Thanh Vy đã nhận được nhiều lời khen đặc biệt từ Ban giám khảo cho ý tưởng sáng tạo và phần trình bày đầy tính thuyết phục và thực tế.

 

Xem toàn bộ phần trình bày của Thanh Vy

 

 

Giám khảo Nhan Húc Quân khen Thanh Vy đã đưa ra được giải pháp thiết thực cho hàng tồn kho, vốn là vấn đề nan giải của không ít doanh nghiệp hiện nay. Giám khảo này cũng có ý định đặt hàng Thanh Vy làm một số sản phẩm cho dự án giáo dục trẻ em của mình.

Giám khảo Phạm Phú Trường cho biết đây là lần đầu tiên trong quá trình làm giáo khảm cho Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can mà ông được nghe một dự án kinh doanh thuyết phục từ đầu đến cuối. Giám khảo này có một số điểm góp ý thêm cho đề án như việc đào tạo nhân lực, quản lý rủi ro chất lượng và thiết kế mẫu mã. Đó sẽ là những rào cản khiến Thanh Vy khó mở rộng dự án ra quy mô lớn trong tương lai.

Ban giám khảo cũng góp ý tư duy chất lượng cao, giá thấp là không thích hợp trong thị trường thực tế. Thanh Vy có sản phẩm tốt, chất lượng đảm bảo nên cần mạnh dạn định giá cao để bảo vệ thương hiệu, bù cho các chi phí nghiên cứu sản phẩm, tồn kho, rủi ro.

 

Giám khảo Thanh Lâm cũng chia sẻ bài học kinh nghiệm của SaigonFood khi giới thiệu sản phẩm chà bông cá hồi làm từ cá hồi vụn, có giá thành rẻ. Sau khi đưa ra thị trường người tiêu dùng không mua vì nghi ngờ không phải làm từ cá hồi thật do giá quá rẻ.

Thí sinh dự thi cuối cùng trong ngày là Trần Quốc Thiên An – sinh viên ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM với dự án Vuii Boutique, chuyên kinh doanh các sản phẩm nữ trang handmade. Thiên An chọn cách đầu tư mạnh vào thiết kế và hình ảnh để tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm. 

Giám khảo Phú Trường đánh giá dự án có phần nghiên cứu thị trường tốt, cách tiếp cận khoa học nhưng khi phát triển rộng ra, nếu Thiên An không nhận ra những nút thắt cổ chai như năng lực sản xuất, thiết kế thì sẽ bị tắc.

Giám khảo Nhan Húc Quân nhận xét tuy theo lĩnh vực thời trang, yêu thích làm nữ trang handmade nhưng Thiên An lại không sử dụng chính sản phẩm do mình làm ra. Các giám khảo đều đồng tình, Thiên An cần nỗ lực quảng bá sản phẩm thông qua hình ảnh của chính mình.

Giám khảo Thanh Lâm góp ý Thiên An không nên gọi tên hai dòng sản phẩm là loại 1, loại 2, sẽ gây hiểu lầm về chất lượng cho khách hàng. Còn giám khảo Phú Trường gợi ý Thiên An nên đặt tên riêng cho mỗi dòng sản phẩm. 

Kết quả, có 3 thí sinh đạt giải là Trần Quốc Thiên An (41,9/50), Trần Công Thư (43,5/50), và Nguyễn Thị Thanh Vy với mức điểm kỷ lục (49,6/50).

 

 

* Giám khảo Thanh Lâm chia sẻ: Việc tham gia phản biện với các thí sinh cũng là cơ hội để các giám khảo học hỏi những ý tưởng mới lạ từ các bạn sinh viên, là cơ hội để “bén lửa” từ sức trẻ, sức sáng tạo của các bạn trẻ đầy nhiệt huyết.

Ban giám khảo góp ý chung với các thí sinh: Việc sử dụng từ ngữ còn chưa phù hợp với quy mô thực tế của sản phẩm, dịch vụ. Trong đề án, các thí sinh cũng cần định vị rõ mình là ai, mình ở vị trí nào, quy mô nào và cố gắng dùng từ ngữ để mô tả rõ ràng chính xác mục tiêu, sứ mệnh, từ đó mới có thể định hướng dự án hoàn thiện hơn.

 

 

PHÚC AN

Các tin khác
«    1 2 3 4 5 6   »
  • ĐIỂM TIN - SỰ KIỆN
  • CHIA SẺ
song-hong-25102021
cong-ty-tnhh-truyen-thong-live-channel
cong-ty-tnhh-dt-xd-tm-dv-moc-may-man
-
-o-e-
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Số người truy cập : 9.522.497
  • Số người online : 10