Đăng ký hội viên clb |

Vòng thi đặc biệt: Bài thi chất lượng, người thi tự tin

Sáng 18/9, buổi thi đầu tiên vòng đặc biệt Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2013 đã diễn tại văn phòng Công ty Tin học HPT, (tầng 9 tòa nhà Paragon, Quận 7, TP.HCM). Ban giám khảo vòng thi đặc biệt có 8 người, là các doanh nhân, nhà khoa học có uy tín, gồm:

img-9868-1088
 

 

1. GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo - Chánh chủ khảo.
2. Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh - cựu Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg; nguyên Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh Liên minh Châu Âu; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam; Viện trưởng Viện nghiên cứu và trao đổi Quốc tế Trí Việt.
3. Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT.
4. Bà Phan Thị Tuyết Mai - Phó chủ tịch Thường Trực CLB Doanh nhân Sài Gòn; Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Tài Nguyên.
5. Ông Lại Minh Duy – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần DV Du lịch & TM TST.
6. Ông Nguyễn Thanh Tân - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quốc tế BMG.
7. Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food.
8. Bà Đinh Hà Duy Trinh – Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ Tin học HPT.

11 thí sinh điểm cao nhất vòng chung khảo tại Hà Nội và TP.HCM có cơ hội trình bày lại dự án kinh doanh một lần nữa trước BGK để giành 4 suất tham dự buổi thuyết trình chung kết vào ngày 5/10 sắp tới tại Hội trường ĐH Mở TP.HCM. 
4 thí sinh đi tiếp vòng đặc biệt trao đổi với giám khảo Lại Minh Duy
Thí sinh trình bày đầu tiên là Nguyễn Thị Thanh Vy – sinh viên Trường ĐH Ngoại Thương TP.HCM. Đây cũng là thí sinh có dự án đạt điểm cao nhất vòng chung khảo. Dự án Amibus – thú bông đan len tiếp tục thuyết phục các giám khảo khó tính.

 

Giám khảo Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng giải pháp thuê nhân công làm việc tại xưởng sẽ khó thu hút lao động nhàn rỗi và người nội trợ. Bà Ninh cũng gợi ý Thanh Vy nên dùng các chất liệu sợi khác đặc trưng của Việt Nam. 

Trần Quản Trọng - sinh viên ĐH Mở TP.HCM là thí sinh thứ 2 dự thi. Tuy có phần căng thẳng nhưng với phần chuẩn bị chỉn chu, kỹ lưỡng và khoa học, dự án chăm sóc toàn diện thai phụ “Baby and Me” của Quản Trọng cũng nhận được nhiều lời khen từ BGK.

Giám khảo Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng ý định nhượng quyền thương hiệu sau 3 năm là quá sớm; Quản Trọng nên đặt tên tiếng Việt cho dự án thay vì tiếng Anh. Giám khảo Đinh Hà Duy Trinh lo lắng rằng vốn đầu tư quá lớn so với một sinh viên. Ngoài ra đây là ngành chuyên biệt nên phải có giải pháp đáp ứng nhân lực chuyên môn.

Thiết kế ứng dụng điện thoại chạy trên hệ điều hành Android OS mang tên “Better Hanoi” là dự án Nguyễn Thị Giang - sinh viên Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội.  

Giám khảo Hồ Thanh Tân đánh giá đề án “Đồ chơi giấy CePaTo” của Nguyễn Thị Thảo Ly – sinh viên Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội rất chi tiết và cụ thể. Tuy nhiên, phần định vị khách hàng mục tiêu chưa rõ. Giám khảo Lê Trường Tùng quan tâm đến khâu sáng tạo, thiết kế vì đây là điểm khác biệt để sản phẩm thành công. Thảo Ly khẳng định có đủ khả năng xây dựng đội ngũ cộng tác viên trẻ, phát triển mẫu dựa trên các hình khối cơ bản.

Bùi Phương Trang – sinh viên ĐH Ngoại Thương Hà Nội dự thi với sản phẩm giá thể từ rơm rạ và rau mầm sạch VietGreenage. Giám khảo Võ Tòng Xuân đánh giá đây là ý tưởng hay nhưng thí sinh chưa nắm kỹ thói quen sử dụng rơm rạ của nông dân, vì hiện nay nông dân đã tận dụng triệt để nguồn rơm để trồng nấm, đốt lò hơi, cho bò ăn…

Nguyễn Thị Thanh Tình – sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội giới thiệu dự án Double S tạo ra các sản phẩm từ rơm rạ. Giám khảo Phan Thị Tuyết Mai chất vấn thí sinh về vấn đề xử lý rơm rạ đảm bảo an toàn cho sức khỏe, về chất lượng sơn dùng trang trí... Giám khảo Võ Tòng Xuân lưu ý là hiện nay nguồn rơm rất hạn chế ở miền Nam do cắt lúa bằng máy, rơm không còn giữ được cọng dài để làm sản phẩm.

Phạm Tố Trinh - sinh viên Trường ĐH Tân Tạo từng gây ấn tượng với dự án “English For Change” ở vòng chung khảo. Tại buổi thi này, giám khảo Tôn Nữ Thị Ninh đánh giá đây hoàn toàn là một dự án từ thiện, không phải là một dự án kinh doanh. Qua dự án, cái lợi cho các bạn sinh viên thì rất cụ thể, nhưng lợi ích mang lại cho các em học sinh chưa rõ. Tố Trinh chưa mô tả được nhu cầu chính xác của đối tượng học sinh. Giám khảo Lại Minh Duy nhận xét đây là ý tưởng tốt nhưng để dự án “sống” lâu dài thì kế hoạch kinh doanh chưa thuyết phục, còn nhiều thiếu sót.

Trần Công Thư – sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM giới thiệu sản phẩm sữa bắp Corna chế biến theo công thức thủ công. Giám khảo Phan Thị Tuyết Mai rất hoan nghênh ý tưởng khai thác thế mạnh nông nghiệp của đất nước để kinh doanh. Tuy nhiên, Công Thư cần lưu ý vấn đề bắp bị biến đổi gien, làm sao để đưa thông điệp đến người tiêu dùng. Giám khảo này cũng chia sẻ một số kinh nghiệm bảo quản sản phẩm ở nhiệt độ thấp, kinh phí cho bảo quản và vận chuyển và gợi ý nên dùng cỏ ngọt thay đường để phục vụ cho người bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, Thư cũng cần đầu tư mẫu mã bao bì, đẩy mạnh tiếp thị yếu tố “an toàn thực phẩm”. Giám khảo Võ Tòng Xuân khuyên thí sinh này nên kết hợp xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng cao. 

Nguyễn Lê Minh Triết – sinh viênTrường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM trình bày dự án Trung tâm thể dục thể chất dành cho phụ nữ mang thai. Giám khảo Tuyết Mai nhận xét cách thức huy động vốn chưa thuyết phục. Bên cạnh đó, tên dự án cần ngắn gọn, Việt hóa, logo cũng cần đơn giản hơn. Giám khảo Hồ Thanh Tân đánh giá đây là đề án tốt nhưng thí sinh cần rút kinh nghiệm về cách trình bày để ngắn gọn, tập trung hơn. 

Chuỗi quán ăn dành riêng cho người mắc bệnh đau bao tử với tên “Bao Tử Cười” là dự án của Trần Vân Khanh - sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM. Giám khảo Thanh Lâm khuyên Vân Khanh cần tạo ra một sản phẩm cụ thể để dự án thuyết phục hơn.

Giám khảo Lại Minh Duy lưu ý khi các thí sinh có nhu cầu mở rộng mô hình kinh doanh ra các địa phương phải chú ý đến khẩu vị và khai thác nguồn nguyên liệu địa phương.

Thí sinh cuối cùng, Trần Thị Thảo Nguyên - sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM giới thiệu dự án “Bánh tiêu xôi Ba-Ti-Xô”. Giám khảo Lê Thị Thanh Lâm đánh giá đây là ý tưởng mới lạ nhưng phải đưa sản phẩm ra thử thị trường. Chúng ta bán cái người tiêu dùng cần, không phải cái mình thích. Món ăn nhiều dầu mỡ không phải là bữa sáng phổ biến được nhiều người dùng. Các cửa hàng thức ăn nhanh như KFC, Lotte chủ yếu phục vụ bữa trưa và bữa tối nên không phải là đối thủ của Ba-Ti-Xô mà chính là các hàng rong, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh 90s. Giám khảo Võ Tòng Xuân khuyên Thảo Nguyên nên tận dụng các loại nếp miền Nam vừa ngon vừa rẻ tiền. 

Giám khảo Tuyết Mai cho rằng cần phân tích sản phẩm nào quan trọng hơn: xôi hay bánh tiêu, từ đó phát triển sản phẩm phù hợp. Còn giám khảo Hồ Thanh Tân khuyên Thảo Nguyên phải cân nhắc, đừng vội hiện thực hóa dự án khi chưa chuẩn bị kỹ lưỡng. Dự án có ý tưởng tốt nhưng menu đa dạng quá sẽ là cản trở lớn.

Chánh chủ khảo Võ Tòng Xuân nhận xét chung: ”Chất lượng của bài thi năm nay được nâng cao đáng kể so với các mùa trước. Các thí sinh đã tiếp thu góp ý của BGK từ vòng chung khảo để tiếp tục hoàn thành dự án kinh doanh của mình. Phần vấn đáp của toàn bộ thí sinh cũng rất tự tin và lưu loát“.

Kết thúc buổi thi 4 thí sinh Nguyễn Thị Thanh Vy (ĐH Ngoại Thương cơ sở 2 TP.HCM), Trần Quản Trọng (ĐH Mở TP.HCM), Trần Công Thư (ĐH Ngoại Thương cơ sở 2 TP.HCM) và Nguyễn Lê Minh Triết (ĐH Ngoại Thương cơ sở 2 TP.HCM) đã giành cơ hội tranh 4 giải đặc biệt vào buổi thuyết trình chung kết diễn ra vào 5/10 tới đây tại ĐH Mở TP.HCM.

Một số hình ảnh tại buổi thi:

 

BGK ra mắt các thí sinh
BGK phỏng vấn trực tuyến thí sinh Hà Nội
Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Vy
Thí sinh Trần Quản Trọng
Thí sinh Phạm Tố Trinh
Thí sinh Trần Công Thư
Thí sinh Nguyễn Lê Minh Triết
Thí sinh Trần Thị Thảo Nguyên

 

 

PHÚC AN

Các tin khác
«    1 2 3 4 5 6   »
  • ĐIỂM TIN - SỰ KIỆN
  • CHIA SẺ
song-hong-25102021
cong-ty-tnhh-truyen-thong-live-channel
cong-ty-tnhh-dt-xd-tm-dv-moc-may-man
-
-o-e-
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Số người truy cập : 9.521.628
  • Số người online : 5