Đăng ký hội viên clb |

Myanmar - những bất ngờ

Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn đã thực hiện một chuyến đi thực tế tại thị trường Myanmar từ 19 - 24/9. Tham gia đoàn có 18 doanh nhân thuộc 14 doanh nghiệp. Sự cọ sát trực tiếp đã mở ra cho nhiều doanh nghiệp cái nhìn chiến lược "Đại dương xanh" rõ ràng hơn về một thị trường rất tiềm năng dù sẽ phải cạnh tranh nhiều với các quốc gia lân cận.

13112373209909-1090
 

 

[flv]http://doanhnhansaigon.vn/files/articles/2010/1047833/myanmar-30-9.flv[/flv]

Từ đầu năm đến nay, thị trường Myanmar được nhắc nhiều như một thị trường hứa hẹn nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Liên tục các cuộc hội thảo, xúc tiến thương mại liên quan đến Myanmar được tổ chức. Nhưng sự quan tâm của những doanh nghiệp chưa tiếp xúc hoặc đã đặt chân đến quốc gia này vẫn còn nhiều háo hức và không kém hấp dẫn.

 

 

Phi trường và chiếc xà rông

Chuyến đi lần này của Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn (CLB DNSG) được sự hỗ trợ trực tiếp của hai đơn vị là Công ty Du lịch TST Tourist và Vietnam Airlines. Chính Tổng giám đốc của TST, ông Lại Minh Duy, cũng có mặt trong đoàn để nhận thức rõ hơn về một thị trường du lịch kết hợp với xúc tiến thương mại tiềm năng.

 
Đoàn khởi hành tại sân bay Tân Sơn Nhất

Trong số 14 DN, bà Nhan Húc Quân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo Việt Nam là người hiếm hoi đã làm ăn với thị trường Myanmar sáu năm nay.

"Lần đầu đến Myanmar, điều làm tôi ngạc nhiên, thậm chí hơi sốc một chút là ông giám đốc đối tác ra phi trường đón khách trong trang phục quấn... xà rông. Nhưng đã sáu năm qua, hình ảnh này trở nên quen thuộc, dù rằng không phù hợp lắm với thông lệ tiếp xúc thương mại quốc tế”, bà Quân tâm sự.

Hiện đối tác Myanmar nhập hàng của New Toyo phục vụ cho làm bao bì thuốc lá trung bình mỗi năm từ 4 - 5 container, mỗi container trị giá 30 - 40 ngàn USD.

Câu chuyện của bà Nhan Húc Quân tạo nhiều tò mò cho các doanh nhân chưa từng đến Myanmar. Nhưng đúng là Myanmar tồn tại hai hình ảnh rất trái chiều: một phong cách hiện đại đang trỗi dậy với một phong cách quá truyền thống.

Chính ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch CLB DNSG mở đầu phát biểu trước các DN Myanmar tại Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar rằng, khá bất ngờ khi bước xuống phi trường quốc tế Yangon, một phi trường sạch sẽ và hiện đại. Điều thứ hai là khả năng tiếng Anh rất lưu loát của tất cả các doanh nhân Myanmar có mặt tại buổi tiếp xúc.

Trong chuyến đi lần này, các DN Việt Nam được tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với hai tập đoàn lớn của Myanmar là City Mart Holding và Shwe Taung Development. Những người đứng đầu hai tập đoàn đa ngành này đều đánh giá cơ hội hợp tác với DN Việt Nam còn rất lớn.

Ông Soe Moe Thu, Giám đốc Điều hành Tập đoàn City Mart Holding, cho biết, Tập đoàn này kinh doanh 12 lĩnh vực, trong đó có: siêu thị, trung tâm thương mại, dược phẩm, cửa hàng bánh kẹo... với 3.000 nhân viên.

Riêng siêu thị City Mart, hiện 70% hàng hóa là nhập khẩu. Số lượng hàng Việt Nam ở đây còn rất hiếm, chỉ có một vài tên tuổi, trong đó có Kinh Đô. Sở dĩ hàng Kinh Đô vào được đây là do giới thiệu từ Hội DN người Hoa ở Yangon. Đa phần hàng hóa chiếm lĩnh nơi đây là hàng Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia.

Ông Soe Moe Thu cho rằng, nhiều mặt hàng của các DN trong đoàn Việt Nam đến giao lưu lần này hoàn toàn có thể vào được City Mart, như thiết bị điện, quạt, thực phẩm chế biến... Riêng sản phẩm quạt tại City Mart bán rất chạy, nhất là vào mùa Hè.

Bước chân vào phòng họp sang trọng của Tập đoàn Shwe Taung Development, Tập đoàn đa ngành lớn thứ tư ở Myanmar, phát hiện lý thú đầu tiên là những chiếc ghế ngồi mang nhãn hiệu Hòa Phát.

Ông Uni, Phó chủ tịch Tập đoàn, cho biết, đã tiếp hơn 100 DN Việt Nam đến tìm cơ hội hợp tác, trong đó có hai thỏa thuận đã thành công là với Tập đoàn Hòa Phát và Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam - Vinamotor.

Cơ hội nắm trong tay

Kinh nghiệm của các DN đi trước cần lưu ý là DN Myanmar rất thích gặp trực tiếp để trao đổi và tận mắt xem sản phẩm. Trong cuộc gặp trực tiếp tại Liên đoàn Phòng Thương mại Công nghiệp Myanmar, mỗi DN Việt Nam được bố trí từng bàn riêng, những DN nào có trưng bày sản phẩm, catalogue đều được đối tác quan tâm nhiều nhất, như Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Điện Mạnh Phương (MPE) chuyên sản xuất các thiết bị điện, Vissan chế biến thực phẩm, New Toyo sản phẩm bao bì nhôm, Công ty Quạt điện Cophaco...

Làm việc trực tiếp với DN Myanmar

Bà Nhan Húc Quân cho biết, đại diện của siêu thị Super One tỏ ra rất thích sản phẩm chén, đĩa nhôm cao cấp. Họ xin được đem một số sản phẩm của New Toyo về và sẽ trực tiếp liên lạc lại.

Ông Huỳnh Xuân Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Vissan thông tin rằng, có 5 nhà phân phối nhỏ và một nhà phân phối lớn tiếp cận mong muốn nhập hàng rồi phân phối lại cho hệ thống siêu thị ở đây. Theo ông Hoàng, về giá sản phẩm của Vissan hoàn toàn có thể cạnh tranh được với hàng thực phẩm chế biến mà Myanmar nhập khẩu.

Tại siêu thị City Mart, giá một bịch xúc xích 400g của CP (Thái Lan) bán 6USD, trong khi giá bán của Vissan cho sản phẩm tương tự tại Việt Nam chỉ 3USD. Nhưng ông Hoàng cho rằng sẽ phải tính toán kỹ hơn về chi phí bán lẻ, xem xét lại chất lượng sản phẩm của các đối thủ, nhất là với CP đã có nhà máy sản xuất tại Myanmar.

Riêng ông Nguyễn Tâm Mạnh, Tổng giám đốc MPE, cho rằng, nhu cầu cao về thiết bị điện ở Myanmar thật sự là cơ hội rất tiềm năng cho thương hiệu MPE. Sản phẩm tại thị trường này đa phần là hàng Trung Quốc, nhưng sau khi xem xét chất lượng và mẫu mã, ông Mạnh hoàn toàn yên tâm về khả năng cạnh tranh.

Chẳng hạn, ổ cắm di động Trung Quốc loại ba ổ, giá bán trong siêu thị City Mart là 8,5USD; nếu MPE phân phối loại tương tự với 4 ổ cắm, giá chỉ 4USD, mỗi lỗ cắm đều có màng che, chất liệu bên trong làm bằng đồng chứ không phải bằng thép. Nhưng ông Mạnh cũng lưu ý là phải tính lại chi phí bán lẻ, thuế...

Cùng với mục đích thương mại, sau các cuộc tiếp xúc và tìm hiểu thêm về thị trường, không ít DN đã tính đến bài toán đầu tư lâu dài. Ông Trần Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp Vĩnh Tường, chuyên sản xuất tấm trần và vách ngăn cho biết, đã tiếp xúc với một tập đoàn lớn của Myanmar hoạt động đa ngành.

Riêng trong ngành xây dựng và sản xuất sơn, doanh số của công ty này cũng đã đạt khoảng 20 triệu USD với mức lợi nhuận trên 10%. Xu hướng mà Vĩnh Tường tính đến là liên doanh sản xuất chứ không thi công. Nhưng cái khó mà ông Huy cũng tính đến là nguồn nguyên liệu, như tôn, thép... còn khan hiếm, điện sản xuất không ổn định, chi phí vận tải cao do chính sách hạn chế nhập xe ô tô mới.

Trong khi đó, sự chuyển hướng của Công ty Chế tạo máy IDT lại khá thú vị. Ông Nguyễn Đình Đầy, Giám đốc Công ty IDT cho biết, IDT có một khách hàng lâu năm là một tập đoàn của Thái Lan chuyên đặt hàng máy sản xuất tôn. Tập đoàn này hiện chiếm tới 70% thị phần tại Thái Lan.

Khi qua Myanmar, ông Đầy được biết chính đối tác này đã phân phối máy của IDT tại thị trường Myanmar, tất nhiên là với giá cao hơn nhiều.

"Ban đầu tôi chỉ tính bán máy qua thị trường Myanmar, nhưng sau khi suy tính lại, tôi đang hướng đến giải pháp hợp tác với chính đối tác Thái Lan để sản xuất trực tiếp ra sản phẩm tại Myanmar. Theo tôi, chỉ vài năm nữa, tốc độ xây dựng tại đất nước Myanmar sẽ rất cao, lúc đó nhu cầu về vật liệu xây dựng chắc chắn cũng cần nhiều”, ông Đầy nhận định.

Cũng thể hiện sự háo hức không kém về kế hoạch làm ăn bài bản tại thị trường Myanmar, bà Phan Thị Tuyết Mai, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Tài Nguyên nhận định, nguồn nguyên liệu thủy sản đánh bắt ở Myanmar rất dồi dào với bờ biển dài 3.000km, 8 triệu ha mặt hồ. Tài Nguyên sẽ hợp tác với một đối tác trên hai lĩnh vực thu mua nguyên liệu và lập nông trại trồng dược liệu.

 

NGUYỄN MẠNH DƯƠNG

Các tin khác
«    1 2   »
  • ĐIỂM TIN - SỰ KIỆN
  • CHIA SẺ
song-hong-25102021
cong-ty-tnhh-truyen-thong-live-channel
cong-ty-tnhh-dt-xd-tm-dv-moc-may-man
-
-o-e-
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Số người truy cập : 9.556.312
  • Số người online : 5