Đăng ký hội viên clb |

Cá tra Việt Nam tiếp tục 'bơi' qua Mỹ, EU và Trung Quốc

(TBKTSG Online) – Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) được dự báo tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cá tra quan trọng nhất của Việt Nam trong 5 năm tới, chiếm  khoảng 65% tổng giá trị xuất khẩu cá tra hàng năm của Việt Nam.

de68b-img-6733
 

Trung Quốc, Mỹ và EU là ba thị trường chủ lực tiêu thụ cá tra Việt Nam giai đoạn 2020-2025. Trong ảnh là nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh



Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, dù có nhiều biến động, nhưng ba thị trường nêu trên vẫn chứng tỏ được sự ổn định khá cao về sản lượng và giá trị xuất khẩu.

Cụ thể, Trung Quốc, Mỹ và EU là ba thị trường luôn nằm trong top dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu cá tra của Việt Nam, dù có thể có sự xáo trộn về vị trí xếp hạng qua thời gian.

Còn về chất lượng và các yêu cầu an toàn thực phẩm xuất khẩu vào các quốc gia nêu trên, thì ngày càng khắt khe hơn, nhưng theo ông Hòe, cá tra Việt Nam vẫn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu được thị trường đặt ra. “Cụ thể, việc công nhận tương đương của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đối với ngành cá tra Việt Nam là một minh chứng”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) chuẩn bị có hiệu lực sẽ giúp cá tra Việt Nam chiếm lợi thế lớn hơn tại thị trường EU trong 5 năm tới, theo đánh giá của ông Hòe.

Thực tế, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại hội nghị sản xuất cá tra Việt Nam diễn ra hôm 7-5 ở tỉnh An Giang cho rằng khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất xuất khẩu cá tra Việt Nam vào EU đối với sản phẩm phi lê đông lạnh sẽ giảm từ 5,5% như hiện nay xuống còn 0% trong 3 năm tới; đối với sản phẩm phi lê đã chế biến sẽ giảm từ 7% như hiện nay xuống còn 0% trong 7 năm tới.

EVFTA được xem là đòn bẩy tăng trưởng, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam xâm nhập vào thị trường 508 triệu dân với GDP khoảng 18.000 tỉ đô la Mỹ này, theo đánh giá của ông Luân.

Bên cạnh ba thị trường nêu trên, ASEAN được kỳ vọng là thị trường tạo ra nhiều đột phá cho xuất khẩu cá tra Việt Nam trong giai đoạn 2020-2025.

Đưa ra nhận định nêu trên, ông Hòe dẫn chứng bằng việc hai năm gần đây (2018 và 2019), xuất khẩu cá tra Việt Nam sang ASEAN có sự tăng trưởng khá tích cực, mà cụ thể, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường nội khối đạt 202,6 triệu đô la Mỹ, tăng 41,5% so với năm trước đó.

Riêng năm 2019, dù kim ngạch xuất khẩu cá tra sang ASEAN có giảm nhẹ 3,6% so với năm 2018, nhưng vẫn là thị trường đứng thứ tư trong tiêu thụ cá tra Việt Nam với kim ngạch đạt 195,4 triệu đô la Mỹ, chỉ đứng sau Trung Quốc, Mỹ và EU.

Brazil và Trung Đông cũng là những thị trường được đánh giá tiêu thụ cá tra quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn tới, nhưng phải giải quyết được những "nút thắt, rào cản" hiện có.

Chẳng hạn, Brazil là thị trường tiềm năng ở khu vực Nam Mỹ, nhưng hai năm gần đây chứng kiến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm. Bởi lẽ, Brazil muốn Việt Nam phải mở cửa cho một số sản phẩm nông nghiệp của nước này như thịt bò, dưa lưới…, nên đã đặt ra rào cản kỹ thuật cao hơn cả thị trường Mỹ và EU nhằm ngăn đà tiến của cá tra Việt Nam. 

“Brazil chỉ chấp nhận sản phẩm cá tra không xử lý phụ gia”, ông Hòe nói. Theo ông, chỉ tính riêng việc này đã làm khó ngành cá tra vì thực hiện như vậy sẽ đẩy giá thành phẩm lên rất cao, doanh nghiệp khó tìm kiếm được khách hàng.

Nguồn: Trung Chánh (Thời báo kinh tế Sài Gòn)

Các tin khác
«    1 2 3   »
  • ĐIỂM TIN - SỰ KIỆN
  • CHIA SẺ
song-hong-25102021
cong-ty-tnhh-truyen-thong-live-channel
cong-ty-tnhh-dt-xd-tm-dv-moc-may-man
-
-o-e-
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Số người truy cập : 9.557.385
  • Số người online : 4